Thực trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hiện xảy ra hết sức phổ biến bởi tính lợi nhuận của các hành vi xâm phạm tạo ra. Hành vi này gây thiệt hại rất lớn về mặt quyền lợi của các chủ thể bị xâm phạm. Trong BLHS 2015, Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều sự chỉnh sửa, bổ sung nhằm nâng cao tình khả thi của việc áp dụng so với BLHS 1999. Vậy, những dấu hiệu nào là hành vi xâm phạm các quyền này? Hậu quả và hình phạt của tội phạm này như thế nào? Sau đây, Luật Duy Hưng xin gửi đến bạn đọc quy định và cấu thành tội phạm tội này.
Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 BLSH 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
CẤU THÀNH TỘI PHẠM
Khách thể của tội phạm:
Tội phạm này xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ.
Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, cuộc biểu diễn, bàn ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh được mã hóa,…
Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi:
Thể hiện bằng hành vi cố ý thực hiện một trong các hành vi sau khi không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan:
– Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là hành vi nhân bản (sao chép) toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (như in ấn thành sách, photocopy, sang đĩa, ghi băng các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình) mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
– Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là hành vi kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
- Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ cấu thành tội này.
- Dấu hiệu khách quan khác:
Hành vi cấu thành tội phạm này khi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu hành hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì cũng cấu thành tội này.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gây ra thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả , quyền liên quan. Người phạm tội lường trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng mong muốn hậu quả xảy ra nên vẫn cố ý thực hiện các hành vi vi phạm.
Mục đích thực hiện tội phạm này thường là tư lợi cá nhân hoặc mục đích vụ lợi cá nhân với động cơ vụ lợi.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể tội phạm này phải có năng lực TNHS và đủ tuổi theo quy định tại điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (từ đủ 16 tuổi theo khoản 1 Điều này). Pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này.
HÌNH PHẠT CỦA HÌNH PHẠT
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Mức hình phạt cao nhất của tội phạm này là phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân phạm tội, mức phạt tiền có thể lên đến 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn lên đến 02 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
————————————————————————————
Để tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến hình sự. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết khác Tại đây.
Quý khách cần tìm hiểu thêm các vấn đề có liên quan đến dịch vụ Luật sư chuyên Hình sự đề nghị tham khảo Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn Miễn Phí.
- VPGD Hà Nội: Số 55 – Lô C1, phố Nguyễn Công Thái, KĐT Đại Kim – Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
- Chi nhánh tại Hà Nam: Số 288, đường Ngô Quyền, phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
- Hotline (Zalo) tư vấn Miễn Phí: 0964653879 – 0929228082 – Email: luatduyhung@gmail.com
- Fanpage:https://www.facebook.com/luatduyhung/
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.