Trong trường hợp người có hành vi phạm tội có hành vi bỏ trốn, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định truy nã nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình. Vậy, trong một số các giai đoạn của tố tụng hình sự, nếu người phạm tội (bị can) bỏ trốn, cơ quan nào sẽ ra quyết định truy nã và sẽ thực hiện truy nã như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Duy Hưng sẽ giải đáp cụ thể vấn đề truy nã trong các giai đoạn tố tụng hình sự. Bạn đọc vui lòng tham khảo:
– Căn cứ pháp luật:
- Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã.
– Truy nã trong các giai đoạn tố tụng hình sự được trình bày dưới đây gồm các giai đoạn: Điều tra; Truy tố và Xét xử.
1. Truy nã trong giai đoạn điều tra:
Căn cứ Điều 7 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC:
– Trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy nã.
– Trường hợp người đang bị tạm giữ hoặc đang bị tạm giam trốn nhà tạm giữ thì Trưởng nhà tạm giữ báo cáo ngay với Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi đối tượng bỏ trốn để Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ đạo, tổ chức lực lượng truy bắt đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ” theo quy định tại Điều 311 Bộ luật hình sự và ra quyết định truy nã bị can.
– Trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam trốn trại tạm giam thì Giám thị trại tạm giam phải tổ chức ngay lực lượng truy bắt đồng thời thông báo ngay cho Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án đó để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ” theo quy định tại Điều 311 Bộ luật hình sự và ra quyết định truy nã bị can.
Như vậy:
Trong giai đoạn điều tra, nếu bị can bỏ trốn thì Cơ quan cảnh sát điều tra đang thụ lý vụ án sẽ ra quyết định truy nã. Bị can bỏ trốn trong giai đoạn điều ra có thể bị khởi tố về “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ” (Điều 311 BLHS 2015).
2. Truy nã trong giai đoạn truy tố:
Căn cứ Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định:
– Trong giai đoạn truy tố, nếu xác định có bị can bỏ trốn thì Viện kiểm sát đang thụ lý hồ sơ có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án ra quyết định truy nã bị can.
– Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 166 BLTTHS 2015 mà việc truy nã chưa có kết quả thì Cơ quan ra lệnh truy nã phải thông báo kết quả truy nã cho Viện kiểm sát đang thụ lý vụ án biết để có căn cứ giải quyết theo thẩm quyền.
– Trường hợp chưa bắt được bị can truy nã thì vụ án được giải quyết như sau:
Trường hợp bị can bỏ trốn không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án thì Viện kiểm sát tách vụ án và ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn, các bị can khác trong vụ án vẫn tiến hành truy tố theo quy định của pháp luật;
Trường hợp bị can bỏ trốn mà ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án thì Viện kiểm sát phải tạm đình chỉ toàn bộ vụ án.
Như vậy:
Nếu bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát đang thụ lý hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra thụ lý vụ án ra quyết định truy nã bị can. Nếu bị can bỏ trốn ảnh hưởng đến sự thật khách quan vụ án thì vụ án có thể được tách ra và tạm đình chỉ vụ án với bị can bỏ trốn hoặc Viện kiểm sát sẽ tạm đình chỉ toàn bộ vụ án.
3. Truy nã trong giai đoạn xét xử:
Căn cứ Điều 9 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định:
– Trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can và đã giao bản cáo trạng cho bị can nhưng chưa chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án mà nhận được thông tin về việc bị can bỏ trốn, thì Viện kiểm sát vận chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án để thụ lý, xét xử và thông báo cho Tòa án biết việc bị can đã bỏ trốn để Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
– Trong trường hợp nhận được thông báo của Viện kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng (không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Tòa án hay chưa) cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.
– Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả, thì Tòa án áp dụng Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Trường hợp đã mở phiên tòa mà bị cáo bỏ trốn, thì Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
– Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này mà trong vụ án có nhiều bị can, bị cáo, trong đó có bị can, bị cáo bỏ trốn, có bị can, bị cáo không bỏ trốn, thì Tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với tất cả các bị can, bị cáo. Đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam không bỏ trốn, mà thời hạn tạm giam đã hết và nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Tòa án áp dụng Điều 177 Bộ luật tố tụng hình sự ra lệnh tạm giam.
Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả, thì Tòa án phải ra ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử và Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo bỏ trốn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự.
– Khi nhận được văn bản của Tòa án yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra ra ngay quyết định truy nã và gửi thông báo quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
Nếu hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự.
– Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can, bị cáo thì khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Tòa án không phải yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định truy nã mới.
Như vậy:
Trong giai đoạn xét xử, nếu bị can có hành vi bỏ trốn trước khi Viện kiểm sát giao hồ sơ vụ án cho Tòa án hoặc đã giao bản cáo trạng cho Tòa án cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án vãn yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc tố tụ theo thủ tục chung. Trong trường hợp hết thời hạn truy nã thì Tòa án có thể đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã.
————————————————————————————
Quý khách cần tìm hiểu thêm các vấn đề có liên quan đến dịch vụ Luật sư chuyên Hình sự đề nghị tham khảo Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn Miễn Phí.
- VPGD Hà Nội: Số 55 – Lô C1, phố Nguyễn Công Thái, KĐT Đại Kim – Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
- Chi nhánh tại Hà Nam: Số 288, đường Ngô Quyền, phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
- Hotline (Zalo) tư vấn Miễn Phí: 0964653879 – 0929228082 – Email: luatduyhung@gmail.com
- Fanpage:https://www.facebook.com/luatduyhung/
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.