Từ bao đời nay ông cha ta vẫn luôn quan niệm an cư lạc nghiệp, vì vậy xây dựng nhà cửa là một nhu cầu thiết yếu đối với người dân. Tuy nhiên, không phải đất nào cũng có thể xây dựng nhà cửa mà phải đúng mục đích pháp luật quy định. Nhiều trường hợp người dân sử dụng đất nông nghiệp xây nhà trên đó thì xử lý thế nào? Xây nhà trên đất nông nghiệp có được không? Luật Duy Hưng xin chia sẻ tới bạn đọc những nội dung trên trong bài viết dưới đây:
Đất nông nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:
- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất rừng sản xuất;
- Đất rừng phòng hộ;
- Đất rừng đặc dụng;
- Đất nuôi trồng thủy sản;
- Đất làm muối;
- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;
Như vậy, đất nông nghiệp là loại đất loại đất được sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp..
Có được xây dựng nhà trên đất nông nghiệp không?
Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất đai được phân thành 03 nhóm gồm: (1) Nhóm đất nông nghiệp; (2) Nhóm đất phi nông nghiệp; (3) Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa được xác định mục đích sử dụng.
Trong đó, đất phi nông nghiệp bao gồm đất ở (đất ở nông thôn, đất ở đô thị). Đây là loại đất được pháp luật quy định dùng để xây dựng nhà ở, cụ thể:
- Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn;
- Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị;
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 thì đất đai phải được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Theo đó, mỗi loại đất khác nhau sẽ được sử dụng vào mục đích khác nhau theo đúng quy định pháp luật
Điều 12 Luật Đất đai 2013 cũng quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.
Như vậy, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị có mục đích sử dụng chính là dùng để xây dựng nhà ở. Đối với đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào các mục đích như như chăn nuôi, trồng trọt,… và không được xây dựng nhà ở. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiêp là trái quy định và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Muốn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp phải làm gì?
Như đã phân tích ở trên, đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở. Như vậy, để xây dựng nhà ở trên đất này, trước hết phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, cụ thể như sau:
Điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
Căn cứ Điều 52 Luật Đất đai 2013, điều kiện cơ quan nhà nước xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng gồm:
- (1) Thửa đất cần chuyển mục đích thuộc kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- (2) Có nhu cầu sử dụng đất thổ cư thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở
Bước 1: Nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất
Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất; (mẫu 01)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nơi nhận hồ sơ:
- Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
- Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (cấp huyện).
Bước 2: Thẩm tra và xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện những công việc sau:
- Thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
- Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu được chuyển mục đích sử dụng đất thì người dân sẽ nhận được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước, trong đó nêu rõ số tiền và hạn nộp);
- Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng;
- Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
*Thời hạn xử lý hồ sơ: Thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; thêm 15 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và nhận kết quả
Xây nhà trên đất nông nghiệp có bị xử phạt?
Như đã trình bày ở trên, Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Do vậy, hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp được xác định là hành vi trái pháp luật đất đai và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP.
Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đối với các hành vi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể:
- Chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn;
- Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị;
- Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp
—————————————————————————————-
Để tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến đất đai. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết khác Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn Miễn Phí.
- VPGD Hà Nội: Số 55 – Lô C1, phố Nguyễn Công Thái, KĐT Đại Kim – Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
- Chi nhánh tại Hà Nam: Số 288, đường Ngô Quyền, phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
- Hotline (Zalo) tư vấn Miễn Phí: 0964653879 – 0929228082 – Email: luatduyhung@gmail.com
- Fanpge: https://www.facebook.com/luatduyhung/
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.