HỎI: Tôi và bạn gái sống chung với nhau cách đây 05 năm, không đăng kí kết hôn. Chúng tôi có tài sản chung là 1 căn nhà đứng tên tôi, 1 mảnh đất đứng tên bạn gái và 1 căn chung cư đứng tên của 2 chúng tôi. Nay chúng tôi muốn cắt đứt quan hệ. Xin hỏi với 3 tài sản trên, chúng tôi chia như thế nào?
LUẬT DUY HƯNG TRẢ LỜI:
Việc chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật thừa nhận. Do đó, việc giải quyết hậu quả về tài sản và quyền nuôi con khi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định như sau:
Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
Theo quy định tại Điều 16 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
“1.Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Do không có quan hệ vợ chồng nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng. Quan hệ tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại điều 207 và 219 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 207. Sở hữu chung
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung.
Điều 219. Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung
1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.
2.Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Như vậy, tài sản sẽ được giải quyết theo nguyên tắc:
– Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó.
– Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, với 02 tài sản mà vợ chồng bạn đang đứng tên riêng sẽ thuộc về tài sản riêng của mỗi người. Còn với tài sản chung là căn chung cư đang đứng tên chung của 02 bạn thì sẽ được chia theo sự thoả thuận của 02 bạn. Nếu không thoả thuận được thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết.
————————————————————————————
Quý khách cần tìm hiểu thêm các vấn đề có liên quan đến dịch vụ Luật sư chuyên Ly hôn đề nghị tham khảo Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn Miễn Phí.
- VPGD Hà Nội: Số 55 – Lô C1, phố Nguyễn Công Thái, KĐT Đại Kim – Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
- Chi nhánh tại Hà Nam: Số 288, đường Ngô Quyền, phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
- Hotline (Zalo) tư vấn Miễn Phí: 0964653879 – 0929228082 – Email: luatduyhung@gmail.com
- Fanpage:https://www.facebook.com/luatduyhung/
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.