TỘI XÂM PHẠM QUYỀN KHIẾU NẠI TỐ CÁO

luбє­t duy hЖ°ng

Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo.

Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo được quy định tại điều 166 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:  Điều 166. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo

1/ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.

2/ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Trả thù người khiếu nại, tố cáo;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

d) Dẫn đến biểu tình;

đ) Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.

Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo

Chủ thể của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo.

Như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo cũng phải đảm bảo các điều kiện về: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 21 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chủ thể của tội phạm này nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 của điều luật là chủ thể thường, tức là bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở nên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm. (Khoản 1 của điều luật có khu hình phạt cao nhất là 3 năm tù nên là tội phạm ít nghiêm trọng).

Chủ thể tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 của điều luật là chủ thể đặc biệt chỉ những người có chức vụ, quyền hạn nhất định mới có thể lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.

Khách thể của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo

Khách thể của tội xâm phạm này là quyền khiếu nại, tố cáo công dân được pháp được pháp luật bảo vệ.

Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định rất sớm trong Hiến pháp từ năm 1959  đến nay (Hiến pháp 1959 (điều 29); Hiến pháp 1980 (Điều 73); Hiến pháp 1992 (Điều 74; Hiến pháp 2013 (Điều 30)). Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền khiếu nai, tố cáo của công dân như sau:

  1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
  3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Không những được quy định tại Hiếp pháp mà quyền khiếu nại, tố cáo còn được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Bộ luật tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính…….vv. Ngoài ra, Quốc hội còn ban hành luật khiếu nại, luật tố cáo để quy định cụ thể quyền khiếu nại, tố cáo và nghĩa vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo

a/ Hành vi khách quan

 Người phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

   –   Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Là việc người thực hiện hành vi phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác nhằm đe dọa, tác động, ảnh hưởng đến người khiếu nại để họ sợ không dám thực hiện hoặc tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình;

   –   Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người, cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Là việc người thực hiện hành vi phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác để đe dọa, tác động, ảnh hưởng đến người, cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm cản trở hoạt động xem xét, giải quyết khiếu nại tố cáo.

   –   Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc xử lý người bị khiếu nại tố cáo;

   –   Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo;

   –   Trả thù người khiếu nại tố cáo; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc của người khác vì bị khiếu nại, tố cáo hoặc tuy không bị khiếu nại tố cáo nhưng có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo hoặc có liên quan đến người bị khiếu nại, tố cáo đã có hành vi gây thiệt hại (làm hại) cho người đã khiếu nại, tố cáo mình hoặc người mà mình quan tâm. Thủ đoạn trả thù rất đa dạng, tinh vi có thể trả thù ngay hoặc chờ cơ hội sẽ trả thù, có khi năm năm, mười năm sau, do đó, khi xác định hành vi trả thủ phải lấy thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi trả thù làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không lấy thời điểm xảy ra hành vi khiếu nại tố cáo để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi trả thù lại cấu thành một tội độc lập thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với động cơ trả thù.

   –   Lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức;

   –   Lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; là việc sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây khó khăn cho việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo như: Bao che cho người bị khiếu nại, tố cáo; không xử lý hoặc xử lý qua loa cho xong chuyện không đúng với tính chất, mức độ vi phạm của người bị khiếu nại, tố cáo.

Một số khái niệm liên quan theo luật Luật khiếu nại 2011 và luật tố cáo năm 2018.

–  Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.

Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm:

+/ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

+/ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo.

–  Người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

b/ Hậu quả của hành vi vi phạm

Hậu quả của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo là những thiệt hại vật chất, tinh thần, tính mạng, bất ổn xã hội…….vv do hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo gây ra cho người khiếu nại hoặc cho xã hội. Những thiệt hại này có thể tính ra bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền. Do đó, với những thiệt hại không thể tính được bằng tiền thì phải đánh giá một cách toàn diện để xác định hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo đã gây ra hậu quả như thế nào cho xã hội?

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc đối với trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 1 của điều luật. Người thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm này nếu chưa gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo thì chưa cấu thành tội phạm, còn đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 của điều luật hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng vấn phải xác định thiệt hại để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Mặt chủ quan của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo.

Người phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý, với nhiều động cơ, mục đích khác nhau như: vì lợi ích vật chất, vì danh vọng, địa vị xã hội… Nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do không hiểu biết mà xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về cấu thành tội phạm của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Quý khách cần tìm hiểu thêm các vấn đề có liên quan đến dịch vụ luật sư trong lĩnh vực hình sự đề nghị tham khảo tại:  https://luatduyhung.com/tt/dich-vu/luat-su-chuyen-hinh-su/. Hoặc liên hệ trực tiếp để được Tư Vấn Miễn Phí.

Hotline tư vấn pháp luật miễn phí: 0964653879

Fanpage: https://www.facebook.com/luatduyhung


Rất hận hạnh được phục vụ Quý khách hàng.

Trân trọng.

Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0964653879