TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ MỘT CHỒNG

luбє­t duy hЖ°ng

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có…

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp được quy định của BLHS.

Điều 182 BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau:

1.Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015. Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng có một đặc điểm khác với chủ thể của các tội phạm khác ở chỗ: Người phạm tội phải là người đang có vợ hoặc có chồng hoặc một trong hai người phải là người đang có vợ hoặc đang có chồng.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.

Mặt khách quan của tội phạm.

a/ Hành vi khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi sau:
  • Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;
  • Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn (kể cả hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân;
  • Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Hôn nhân thực tế là hôn nhân là hôn nhân có đủ điều kiện kết hôn về nội dung, chỉ vi phạm điều kiện về hình thức là không có đăng ký kết hôn. các điều kiện về nội dung là: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên chấp nhận); việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Tuy nhiên, nếu những người đã sống chung với nhau như vợ chồng (hôn nhân thực tế) trước ngày 3-1-1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn, còn đối với những người chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3-1-1987 đến ngày 1-1-2001 thì phải có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm (đến ngày 1-1-2003), nếu sau thời hạn này mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng; kể từ ngày 1-1-2001 trở đi nếu nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được công nhận là vợ chồng.

Việc chấm dứt quan hệ hôn nhân có thể do nhiều nguyên nhân như: Một trong hai người chết (kể cả trường hợp chết về mặt pháp lý do Toà án quyết định); đã ly hôn do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng mà bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị Toà án quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu quan hệ hôn nhân đang tồn tại là quan hệ hôn nhân trái pháp luật mà một trong hai người tự ý kết hôn hoặc chung sóng với nhau như vợ chồng với người khác thì không phải là hành vi vi phạm chế đội một vợ, một chồng.

Nếu một trong hai người (nam hoặc nữ) bị lừa dối mà đồng ý kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có hành vi gian dối thì chỉ người có thủ đoạn gian dối mới bị coi là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, còn người bị lừa dối không phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Hành vi sống chung như vợ chồng với người khác là hành vi của nam và nữ không có đăng ký kết hôn nhưng về sống chung với nhau như vợ chồng, có thể có tổ chức lễ cưới hoặc không tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán; gia đình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; họ sống với nhau như vợ chồng một cách công khai, mọi người xung quanh đều biết và cho rằng họ là vợ chồng.

Sẽ không phải là sống chung với nhau như vợ chồng nếu như nam và nữ lén lút quan hệ tình dục với nhau theo quan niệm mà xã hội cho là “ngoại tình”.

Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ là trường hợp người chưa có vợ, chưa có chồng biết rõ người khác đã có chồng, đã có vợ nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.

Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng là người chưa kết hôn lần nào hoặc đã kết hôn nhưng đã ly hôn hoặc một trong hai người (vợ hoặc chồng) đã chết hoặc được Toà án tuyên bố là đã chết. Điều luật quy định người chưa có vơ, chưa có chồng, nhưng bao gồm cả những người đã có vợ hoặc đã có chồng nhưng vợ hoặc chồng đã chết, đã ly hôn hoặc đã bị Toà án huỷ hôn nhân trái pháp luật. Đúng ra, nhà làm luật phải quy định: người đang chưa có vợ hoặc đang chưa có chồng, thì chuẩn xác hơn và không thể hiểu khác được.

Khi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có chồng hoặc có vợ, người phạm tội phải biết rõ người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là người đang có chồng hoặc có vợ. Nếu không biết rõ thì không phải hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Thông thường, trường hợp này người chưa có vợ, chưa có chồng (nhất là người chưa có chồng) bị người đang có vợ hoặc đang có chồng lừa dối nên mới kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.

Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi người có hành vi đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần vi phạm chế độ một vợ, một chồng, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng không cấu thành tội phạm này.

b/ Hậu quả của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng: Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Hoặc trường hợp đã có quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.

Mặt chủ quan của tội phạm.

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng người phạm tội thường bỏ mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra, miễn là được chung sống như vợ chồng với nhau.

Bạn muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến “Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website: http:// Luatduyhung.com  hoặc gọi đến liên hệ trực tiếp để được tư vấn.

Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900633296.

Facebook: https://www.facebook.com/Luatduyhung

Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0964653879