Không chỉ cá nhân, tổ chức phải bồi thường bởi hành vi gây thiệt hại của mình mà Nhà nước cũng phải bồi thường những thiệt hại về vật chất và bù đắp tổn hại về tinh thần khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi quyền lực công. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Luật Duy Hưng xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”.
1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước
Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN) đã quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi đủ các căn cứ sau:
1.1. Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng
Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.
Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường.
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Luật TNBTCNN đã quy định cụ thể các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong từng hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, cụ thể:
Lĩnh vực | Các loại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường |
Quản lý hành chính | – Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
– Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; – Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; – Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo; – Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra; – Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; – Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017 |
Tố tụng Hình sự | – Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;
– Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; – Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017. |
Tố tụng Dân sự, tố tụng Hành chính | – Bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính phạm tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc;
– Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; – Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính vì đã ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; – Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc và quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đó xác định hành vi trái pháp luật của người ra bản án, quyết định có đủ căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị xử lý thì người đó chết; – Quyết định xử lý kỷ luật người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; – Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017. |
Thi hành án Hình sự | – Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
– Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; – Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; – Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; – Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của của Luật TNBTCNN năm 2017. |
Thi hành án Dân sự | – Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
– Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; – Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; – Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; – Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; – Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; – Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017. |
2.2. Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thiệt hại được hiểu là sự giảm sút các lợi ích về tài sản hoặc lợi ích về nhân thân so với tình trạng hiện hữu hoặc sự giảm sút các lợi ích mà chủ thể bị thiệt hại sẽ và chắc chắn có được trong tương lai trong một điều kiện bình thường nếu không có việc gây thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại thực tế được hiểu là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bao gồm:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;
- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;
- Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm;
- Thiệt hại về tinh thần;
- Các chi phí khác: chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hai; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạp giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù về thi hành án hình sự.
1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại ở đây được hiểu là thiệt hại thực tế mà người bị thiệt hại gánh chịu phải bắt nguồn từ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Nếu trường hợp một vụ việc có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế phát sinh nhưng thiệt hại đó không bắt nguồn từ hành vi trái pháp luât, thì cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ví dụ 1: Bà A bị Chi cục THADS huyện B kê biên trái pháp luật là 01 căn nhà đang cho thuê. Bà A đã không được trả lại tài sản vì căn nhà đã bị bán đấu giá và tài sản được giao cho bà C. Bà A đã có văn bản yêu cầu Chi cục THADS huyện B và yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm: (1) thiệt hại là căn nhà bị bán đấu giá; (2) thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất là tiền cho thuê nhà.
- Như vậy thiệt hại của Bà A là có thực và có mối quan hệ nhân quả với hành vi công vụ trái pháp luật của người thi hành công vụ của Chi cục THADS huyện B.
Ví dụ 2: Ông C bị UBND xã D Quyết định xử vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật đất đai. Ông C khiếu nại và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận khi giải quyết khiếu nại lần 2. Ông C căn cứ quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 nêu trên để yêu cầu UBND xã D bồi thường. Một trong những thiệt hại mà ông C yêu cầu UBND xã D bồi thường thiệt hại là thu nhập bị mất do phải đi yêu cầu bồi thường do không đi làm được.
- Trong trường hợp này, thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất do phải đi yêu cầu bồi thường mà không đi làm được với hành vi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã D của ông C không có mối quan hệ nhân quả với nhau.
2. Phương thức yêu cầu bồi thường
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người bị thiệt hại có quyền lựa chọn phương thức yêu cầu bồi thường là:
(1) Yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại bồi thường
(2) Khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án.
3. Người có quyền yêu cầu bồi thường
Căn cứ Điều 5 Luật BTTNNN, người có quyền yêu cầu bồi thường, bao gồm:
– Người bị thiệt hại;
– Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
– Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
4. Thời hiệu yêu cầu bồi thường
4.1. Yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại
– Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
4.2. Yêu cầu bồi thường tại Toà án
Trường hợp 1: Chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lí người thi hành công vụ giải quyết hoặc rút yêu cầu trước thời điểm cơ quan giải quyết tiến hành xác minh thiệt hại
– Thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
Trường hợp 2: Đã được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng không đồng ý với quyết định đó
– Thời hiệu khởi kiện tại Tòa án là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết; biên bản hoà giải không thành; biên bản hoà giải thành nhưng không ra quyết định giải quyết bồi thường.
———————————————————————
Để tìm hiểu thêm các vấn đề về pháp luật. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết khác Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn trực tiếp.
Hotline (Zalo): 0964653879 hoặc 0929228082
Facebook: https://www.facebook.com/luatduyhung/
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.