PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT LÀ GÌ

luбє­t duy hЖ°ng

Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Điều này được hiểu như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Luật Duy Hưng.

Trước khi làm rõ “phạm tội chưa đạt” là gì? Các dấu hiệu của phạm tội chưa đạt? Và trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt? Luật Duy Hưng xin trình bày “các giai đoạn phạm tội do cố ý” để bạn đọc tham khảo.

1. Các giai đoạn phạm tội do cố ý

Hiện nay, trong khoa học và sách báo pháp lý có nhiều tên gọi khác nhau: các giai đoạn thực hiện tội phạm, các giai đoạn phạm tội, các giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý…Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “các giai đoạn phạm tội do cố ý”.

Pháp luật Hình sự các nước trên thế giới và tại Việt Nam đều phân biệt các giai đoạn phạm tội do cố ý. Cụ thể, trong khoa học Luật Hình sự Việt Nam và pháp luật Hình sự Việt Nam đều thống nhất các giai đoạn phạm tội do cố ý bao gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Và thực tiễn xét xử tại Việt Nam chỉ thừa nhận có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với loại tội cố ý trực tiếp, đối với trường hợp phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội đã nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhận thức được hậu quả do hành vi của mình có thể gây ra nhưng hậu quả đó không phải là mục đích chính của người phạm tội. Và thái độ người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là thờ ơ và bỏ mặc. Vì vậy, khoa học luật hình sự và thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành chỉ xảy ra với lỗi cố ý trực tiếp.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 14 về chuẩn bị phạm tội và Điều 15 về Phạm tội chưa đạt.

Việc quy định này thứ nhất là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thứ hai, là căn cứ để định tội danh. Việc xác định hành vi của một người đã phạm tội gì chính là quá trình xác định hành vi của họ có thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Khi xác định tội danh đó phải căn cứ vào các quy định về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và các tội phạm cụ thể được pháp luật hình sự quy định thì mới định tội và định tội với đúng người và đúng pháp luật.

2. Phạm tội chưa đạt là gì?

Phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 BLHS Việt Nam năm 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Như vậy, bản chất phạm tội chưa đạt thể hiện ở chỗ – là giai đoạn tiếp sau chuẩn bị phạm tội và là một giai đoạn phản ánh người phạm tội đã bắt đầu có hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ . Nói cách khác, khách thể của tội phạm được luật hình sự bảo vệ đó bị đe doạ thực tế gây ra thiệt hại, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội nên thiệt hại thực tế chưa xảy ra hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng không phải là thiệt hại mà người phạm tội mong muốn xảy ra.

Theo quy định trên, mặc dù điều luật không nói rõ ràng phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với lỗi cố ý trực tiếp. Theo phân tích ở trên, khoa học pháp lý hình sự và thực tiễn xét xử chấp nhận quan điểm phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với trường hợp lỗi cố ý trực tiếp. Bởi lẽ, người thực hiện hành vi phạm tội mong muốn thực hiện đến cùng hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.

Phạm tội chưa đạt

Phân loại phạm tội chưa đạt

Thứ nhất, căn cứ vào mục đích thực hiện ý định phạm tội, phạm tội chưa đạt phân thành hai dạng: phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành

Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành  là việc người thực hiện hành vi phạm tội không thực hiện được tất cả các hành vi mà người đó cho là cần thiết để dẫn đến hậu quả mà họ mong muốn (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi). Tuy nhiên, cần chú ý việc không thực hiện được các hành vi họ cho là cần là bởi nguyên nhân khách quan, còn về mặt ý chí thì người này vẫn mong muốn thực hiện.

Ví dụ: A đang chuẩn bị đâm B thì có người ngăn cản,tri hô, lực lượng chức năng có mặt và bắt A, nên A không thể thực hiện được hành vi của mình và hậu quả cũng chưa xảy ra.

Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là là người phạm tội đã thực hiện tất cả các hành vi mà người đó cho là cần thiết để hậu quả mong muốn có thể xảy ra, nhưng vì những nguyên nhân khách quan ngoài thực tế mà hậu quả đó không xảy ra. Nghĩa là chưa đạt về mặt hậu quả, hoàn thành về mặt hành vi.

Ví dụ: A muốn giết B, đâm nhiều nhát vào vị trí trọng yếu trên người B, A nghĩ là B đã chết nên bỏ đi, nhưng do người đi đường phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên B được cứu sống. Trường hợp này, hành vi của A là hành vi phạm tội chưa đạt hoàn thành.

Ý chí của chủ thể trong trường hợp này là rất quan trọng, đây là căn cứ để phân biệt giữa tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

3. Dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội chưa đạt

3.1 Dấu hiệu thứ nhất

Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội bắt đầu có hành vi xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nói cách khác người phạm tội đã thực hiện những hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: đã thực hiện các hành vi đâm, chém, bắn… trong các vụ án về tội giết người; hoặc đã thực hiện được những hành vi đi liền trước hành vi khách quan đó như là vung dao chém, giương súng bắn nhưng chưa kịp chém, chưa kịp bắn thì bị người khác ngăn lại.

3.2 Dấu hiệu thứ hai

Người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng. Thuật ngữ “không thực hiện được đến cùng” ở đây không có nghĩa là không thực hiện được kết quả cuối cùng mà người phạm tội mong muốn mà phải được hiểu là hành vi phạm tội mà người phạm tội thực hiện đã không thoả mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: người phạm tội giết người mong muốn giết chết nạn nhân nhưng mới chỉ gây thương tích; người phạm tội trộm cắp tài sản mong muốn chiếm đoạt được tài sản nhưng đang bê tài sản, chưa ra được khỏi nhà đã bị chủ nhà phát hiện và bắt giữ….

Dấu hiệu của trường hợp phạm tội chưa đạt “chưa thực hiện được đến cùng” tội phạm là dấu hiệu giúp phân biệt giữa trường hợp phạm tội chưa đạt với trường hợp tội phạm hoàn thành.

Đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, nghĩa là có dấu hiệu hậu quả trong mặt khách quan của tội phạm thì “không thực hiện được đến cùng” tội phạm có nghĩa là hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội như dấu hiệu hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm đó. Ví dụ, muốn giết nạn nhân nhưng chưa tác động được vào cơ thể nạn nhân (chém trượt) hoặc mới gây thương tích cho nạn nhân. Trong trường hợp này, mặc dù hành vi đã gây thương tích là đã gây ra một thiệt hại nguy hiểm, xâm phạm sức khỏe của nạn nhân nhưng thiệt hại đó không phải là hậu quả, dấu hiệu của tội giết người. Dấu hiệu hậu quả trong tội giết người phải là “gây chết người”.

Đối với các tội có cấu thành hình thức, nghĩa là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi, không có dấu hiệu hậu quả trong mặt khách quan của tội phạm, thì hành vi “không thực hiện được đến cùng” tội phạm được hiểu là hành vi đã thực hiện của người phạm tội chưa thỏa mãn hết dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm đó.

Ví dụ: để thực hiện việc hiếp dâm, người phạm tội đã dùng vũ lực vật ngã nạn nhân nhưng chưa kịp giao cấu thì bị bắt giữ. Trong trường hợp này, hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết dấu hiệu hành vi hiếp dâm được mô tả tại khoản 1 Điều 141 BLHS 2015, trong đó quy định hành vi khách quan của tội hiếp dâm là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân”, nghĩa là hành vi thực tế mà người phạm tội thực hiện chưa thỏa mãn hết dấu hiệu “giao cấu” trong hành vi khách quan được quy định tại điều khoản cụ thể của BLHS.

3.3 Dấu hiệu thứ ba

Nguyên nhân tội phạm không thực hiện được đến cùng là do khách quan, ngoài ý muốn của người phạm tội. Khi bắt đầu thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp thì bao giờ người phạm tội cũng mong muốn cho hậu quả của tội phạm xảy ra. Tuy nhiên thì không phải bao giờ ý định, mong muốn của tội phạm cũng xảy ra mà nhiều lúc, có thể do nhiều yếu tố khách quan, ngoài ý muốn của người phạm tội như nạn nhân tránh được, có người can thiệp,…mà tội phạm không được thực hiện đến cùng.

4. Trách nhiệm hình sự khi phạm tội chưa đạt

Theo phân tích ở trên, nguyên nhân khiến tội phạm không thực hiện được đến cùng không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của người phạm tội mà là do yếu tố khách quan, yếu tố nằm ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội vẫn muốn thực hiện đến cùng các hành vi để đạt được kết quả là gây tổn hại và xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Do vậy, tuy trên thực tế, phạm tội chưa đạt tuy chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành nhưng đã phần nào xâm hại trực tiếp đến khách thể hoặc trực tiếp đe dọa gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Theo đó, khoản 1, 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

  1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

  1. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt đối với người dưới 18 tuổi tại khoản 1, 3 Điều 102 như sau:

“Điều 102. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

  1. Tòa án quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của Bộ luật này.

  1. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật này.

Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.”

———————————————————————

Trên đây là một số vấn đề cơ bản khoa học pháp lý hình sự Việt Nam về phạm tội chưa đạt. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết khác Tại đây. Hoặc liên hệ với Luật Duy Hưng bằng một trong các cách thức sau để được tư vấn trực tiếp.

Hotline tư vấn pháp luật miễn phí: 0964653879.

Facebook: https://www.facebook.com/luatduyhung/

Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Phạm tội chưa đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0964653879